::: VK Clan :::
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Phải Lấy Người Như Anh_Trần Thu Trang-chương29 + 30

Go down

Phải Lấy Người Như Anh_Trần Thu Trang-chương29 + 30 Empty Phải Lấy Người Như Anh_Trần Thu Trang-chương29 + 30

Bài gửi by vk_ga 23/02/10, 12:53 pm

Chương 29


Vân nằm trên tầng 2 của một khoang sáu giường. Không gian chật hẹp bí bức. Mùi thuốc lá từ phòng bên cạnh bay sang khiến nàng càng ngạt thở. Đắp tấm chăn nỉ màu lờ nhờ khen khét một thứ mùi công cộng, nàng cảm thấy cơn buồn nôn dâng lên, không phải cảm giác nôn nao đầy hy vọng mấy tuần trước mà là một cảm giác trống rỗng đến quặn lòng. Tàu chuyển bánh, nhịp rung lắc đều đều, những âm thanh nằng nặng nện trên đường ray đều đều, ngay cả tiếng rì rầm trò chuyện của hai mẹ con giường bên cạnh cũng đều đều. Vân nhắm mắt nhớ lại những lời nói rin rít của người đàn bà mà nàng đã từng hy vọng sẽ gắng yêu thương kính trọng như mẹ mình…
Tiếng động và mùi cháo toả ra từ chiếc cặp lồng nhôm quen thuộc đánh thức Vân dậy. Không phải Thanh hay ông Túc mà là bà Nhã và bà Nhu. Hai nụ cười, tươi, ngọt.
- Vân cũng tinh nhỉ. Thấy mùi cháo là tỉnh ngay!
Nàng không bày tỏ cảm xúc, hững hờ đón lấy bát cháo. Cháo tim gan, còn nóng và rất thơm. Nàng không thể nào nuốt nổi. Câu nói đùa cố ý vừa xong của bà chủ tiệm áo cưới khiến cổ nàng đắng ngắt.
- Vân ăn đi… - bà Nhã khẽ nâng bát cháo trong tay nàng - Cháo tim gan bác mua ở Trần Nhân Tông đấy. Ăn cho chóng khoẻ…
Bà Nhu tiếp tục mỉm cười, giơ tay sửa lại bó hoa trên nóc tủ:
- Phải đấy, ăn đi cháu ạ. Ăn cho hết, kẻo Thanh nó lại trách mẹ không biết chăm vợ.
- Kìa mình, người ta bảo rồi mà… - bà Nhã gắt nhỏ - Vân với Thanh chúng nó đã cưới đâu mà vợ với chồng, nghe thế rồi các bác ở đây cười cho.
Đến đây thì Vân không thể nuốt nổi nữa. Nàng có cảm giác mình bị lột trần và phơi ra giữa căn phòng chật ních người bệnh và người chăm bệnh bởi câu nói ngọt ngào đến lạnh gáy của người đàn bà trước mặt. Nàng muốn phản ứng lại bằng một lời chua cay ngoa ngoắt nào đó nhưng không sao nghĩ ra được, dường như đầu óc nàng đã bị tê liệt cả rồi. Hai người đàn bà vẫn người tung người hứng qua lại bên giường nàng:
- Hoa hồng đẹp quá. Có phải cái cậu đi Matiz đỏ hôm nọ tặng không cháu? (Quay ngoắt sang đề tài khác, mặt vụt buồn) Nhu ơi, mình nhớ không, chị thằng Thanh mà người ta bỏ mất ấy, cũng định đặt tên là Hồng Nhung đấy. (Bần thần nhìn sang Hạnh Nhu mếu máo) Hích, số người ta vô phúc, cái mạng của con cũng không giữ được để mà đặt tên.
- Phải rồi, con bé hồi đấy hơn sáu tháng mình nhỉ. Nghĩ lại mà thương quá! (Đưa tay chậm nước mắt).
- Hích. Con bé giống anh ấy như lột. Mình chỉ kịp chìn mặt nó một lần. (Nghẹn ngào) Giá mà nó bỏ mình đi sớm thì còn đỡ…
- Ừ, kể ra như thế mà lại hơn, bỏ đi từ lúc chưa rõ hình, có gì cũng… (liếc Vân một cái) dễ ăn dễ nói…
- Cháu xin phép, cháu ra ngoài một lát – Vân đặt bát cháo xuống đầu giường đi như chạy ra ngoài hành lang. Những lời kể lể vẫn vo ve đuổi theo nàng như một bầy ong độc. Nọc của chúng làm ngạt thở, nàng cần có một khoảng không, nàng khát nước. Nàng nghĩ tới khuôn viên phía sau dãy phòng bệnh. Nàng lao về phía ấy. Nhưng một hình ảnh đập vào mắt nàng, trên băng ghế, Thanh đang nắm tay và cười với Hạnh Phương, nụ cười ấm áp…
Vừa đúng lúc đó, một tia nắng yếu ớt lọt qua cửa kính chiếu thẳng vào chiếc giường hẹp trong khoang tàu. Trong hệ thống loa, người phát thanh viên nói ngọng đang lải nhải một cái tên ga miền Trung lạ lẫm.
* * *
Bất chấp chiếc biển cấm, Thanh dựng xe trên hè phố, thất thểu đi vào trong ngõ. Thêm một buổi sáng tìm kiếm không kết quả còn niềm hy vọng thì cứ thế vơi dần. Con mèo nằm buồn thiu trước cửa, cái đuôi đập chầm chậm theo một nhịp chán nản, thấy chàng nó cũng chẳng buồn nhúc nhích đứng lên. Ông Túc đang loay hoay rang cơm trong bếp, chiếc chảo nông cập kênh trên kiềng bếp gas quá khổ, đôi đũa dài lều nghều đến là vụng.
Thanh bước lại nhìn đăm đăm vào chiếc chảo một lát rồi cất giọng mệt mỏi:
- Vẫn không có tin tức gì bố ạ.
Ông già lách khỏi gian bếp, chẳng nói chẳng rằng, sắp xếp bàn ăn mâm bát. Hai chiếc bát con, hai đôi đũa buồn thiu. Ngay cả tờ lịch trên tường cũng không còn giống màu xanh mà trở nên xám xỉn. Sinh khí trong ngôi nhà này dường như đã theo chân con bé biến đi mất rồi.
Bữa cơm chỉ có hai người đàn ông và một chảo cơm rang trứng. Con mèo cũng không buồn lim dim cái vẻ háu ăn nữa, nó cứ mở to mắt nhìn ngơ ngác rồi lại cất lên những tiếng meo meo não lòng. Bà Nhã bước vào đem theo làn gió hút, chiếc áo da màu huyết dụ cũng trở nên bầm tím vì ánh sáng lờ mờ mà mùa đông lười biếng rọi qua những ô cửa nhỏ.
- Sao ăn uống tối om om thế? Bật đèn lên đi chứ.
Miệng nói, tay bà lần công tắc. Ánh đèn trắng nhợt nhạt phủ lấy cả ba người. Thanh ngước lên, mẹ và cha đều ở đây nhưng chàng không có một gia đình. Lặng lẽ nhai trệu trạo cho qua bữa, chàng lấy ấm pha trà.
- Rét gì mà rét khiếp! Ở bên kia có rét nhưng không buốt thế này…
- Cơm nước kiểu gì mà có mỗi tí hành tí trứng thế? Sao không gọi hàng cơm bình dân đầu ngõ thêm mấy miếng chả với bát canh?
- Ơ, cái con mèo này hay nhỉ, ai cho mày ăn mà mày sán lại…
Chẳng ai hưởng ứng những câu xuýt xoa của bà Nhã. Con mèo sau khi bị từ chối cũng lặng lẽ bỏ đi. Không khí trong nhà cứ như quánh lại. Và tiếng chuông điện thoại vang lên làm cho cái khối đặc quánh ấy vỡ oà ra:
- A lô – Thanh nhào đến vồ lấy máy – Vâng, đúng rồi ạ. Vâng, đúng. Vâng, màu hồng ngả xám. Cảm ơn anh…
Tắt chiếc máy, chàng nhìn hai người còn lại bằng con mắt trống rỗng. Giọng tắc nghẹn:
- Tìm được xe ở bãi sông Hồng.
Người đàn ông đội mũ bảo hộ cằp cặp ý chừng là người coi thầu gõ đất bám trên yếm chiếc xe, chép miệng:
- Công nhân bảo là xe máy tôi còn không tin, nghĩ là phao giao thông hỏng giạt vào cơ. Cũng may nước cạn nên buộc dây vào kéo một lúc là lên, không phải huy động xúc.
Thanh chết lặng nhìn sợi dây thừng lòng thòng ở tay lái, trên đó có một sợi dây dù mà đất phù sa đã biến màu xanh nguyên thuỷ của nó thành một thứ màu chết chóc, hẳn là nàng đã lồng bàn tay đầy gân xanh vào nó như một mối ràng buộc cuối cùng... Chàng hít sâu và dằn cơn đau ở ngực lại, dõi mắt về phía hạ nguồn. Dòng nước đục lờ tưởng như bình yên kia có lẽ đã cuốn đám mây sáng của chàng ra phía biển mất rồi.
Chiều dần buông trên mặt sông, một buổi chiều đông thê lương. Thanh vẫn đứng như trời trồng giữa bờ kè ngổn ngang lồng lộng gió. Bà Nhã ngọt ngào chìa mấy bao thuốc lá ngoại, nói gì đó cảm ơn đội thi công kè. Ông Túc thì khoanh tay ngó nghiêng bên cạnh, không có cử chỉ nào bày tỏ rằng ông quan tâm đến sự việc. Liếc chồng cũ một cái ngán ngẩm, bà đến bên Thanh:
- Xong rồi, về thôi con!
- Mẹ để con đứng đây thêm lúc nữa.
- Có gì mà đứng nữa con ơi! Nó…
Thanh quay lại chặn ngang dòng thuyết giảng phân tích mà chàng đã quá rõ của bà Nhã, chàng nói nhanh và tránh nhìn vào mặt mẹ:
- Thôi, mẹ cứ về trước đi kẻo dượng Thọ chờ.
- Thế còn việc…
- Để con gọi taxi cho mẹ.
- Sao con cứ chặn ngang lời mẹ thế hả?
- Con xin lỗi mẹ.
- Con có biết là…
- Thôi cô đi về đi! - ông Túc nãy giờ giữ vẻ bàng quan bỗng lên tiếng, giọng nghiêm nghị chưa từng thấy - Lát nữa tôi chở con về.
- Anh vẫn còn biết lo cho thằng bé hay sao? Tôi tưởng anh chỉ biết cắm đầu vào mấy cái xe. Mấy hôm nay trong khi tôi chạy đôn chạy đáo thì anh ở nhà bình chân như vại…
- Đây không phải lúc cô giở cái trò ăn nói xảo quyệt ra nhập nhèm trắng đen đâu. Tôi chưa hỏi đến chuyện hôm nọ cô với con Nhu làm gì đấy!
Lời của ông Túc làm người đàn bà đang hung hăng bỗng như nhũn ra. Bà quay người đi thẳng. Những bước chân bực bội dằn lên đám đá hộc khấp khểnh. Thanh nhìn theo buông tiếng thở dài:
- Vừa rồi bố bảo mẹ với cô Nhu làm sao?
- Không có gì. Mấy chuyện nhố nhăng thôi. Đứng dẹp vào đây con, đất nó lở một cái bố không kéo mày lên được đâu!
Thanh lùi vào phần kè đá. Chàng nhìn vẻ bình tĩnh như không của ông bố và thấy cơn đau ở ngực dịu đi một phần. Ông không an ủi, không nói những lời đầy đạo lý có trước có sau vẹn tròn sáo rỗng, ông chỉ lo cho chàng bằng cái cách riêmg hơi lạ lùng của mình. Và nhìn vào gương mặt thẫn thờ của ông lúc này, chàng biết là ông thương yêu Thái Vân cũng như thương yêu chàng vậy.
- Mình về kẻo tối bố nhé.
- Ờ. Thằng Còi ở nhà chắc đói meo rồi. Đưa chìa khoá đây tao đi cho nhanh.
Chiếc Vespa lọc xọc chạy trên con đường dọc bãi sông, Thanh gục mặt vào bờ vai gầy gò của cha, gió thổi buốt da, bóng tối và lớp khăn len của ông Túc biết là chàng khóc.
Hai năm sau.
Người đàn ông trẻ đi dọc bờ sông. Không mũ nón, cũng chẳng có ô hay áo mưa, người đàn ông khom người giấu chiếc máy ảnh vào bên trong vạt áo gió. Hội An mùa đông thật ẩm ướt và ảm đạm. Những mảng rêu xanh trên mái ngói và ánh mắt của những người đang lầm lũi đi dưới làn mưa đan chéo dường như sẫm lại vì hơi nước.
Quán café nhỏ xíu mở cửa trông ra sông, những gương mặt lạ lẫm bình yên nghiêng nghiêng dõi ra mặt sông, nơi có những con thuyền sơn xanh đỏ đậu túm tụm, những con mắt vẽ trên mũi thuyền như hờ khép trước những giọt mưa uể oải. Chọn một bàn trong cùng, người đàn ông quay lưng lại với tất cả, hướng gương mặt hơi tái đi vì rét vào bức tường nơi chỉ có chiếc bảng con quảng cáo cho tour du lịch đi Cù lao Chàm. Những sợi tóc ngắn bết trên vầng trán khôi ngô, đôi mắt nâu sau cặp kính và đôi môi mím chặt khiến anh mang một vẻ trầm mặc u uẩn như thể triết gia. Chiếc quần jeans hơi bạc, chiếc sơ mi kẻ sọc nhỏ bên trong và chiếc áo gió bên ngoài đều không có gì đặc biệt nhưng toát nên vẻ thanh lịch. Và nếu anh không gọi cà phê bằng tiếng Việt có lẽ mọi người vẫn tưởng anh là một khách du lịch Nhật Bản Hàn Quốc nào đó như khi mới bước vào.
Cởi áo khoác máng lên thành ghế, dùng tay áo sơ mi lau mấy giọt nước từ trên tóc vừa nhỏ xuống chiếc máy ảnh không còn mới, anh chậm rãi nhấp từng ngụm cà phê đắng ngắt và lật giở một vài tờ rơi giới thiệu khu đô thị cổ. Vòng chung khảo và lễ trao giải thưởng tin học Trí tuệ năm nay không tổ chức ở Hà Nội mà lại chuyển vào Đà Nẵng. Mấy ngày bảo vệ kéo dài tưởng như không bao giờ chấm dứt. Anh chán nản giao lại việc trình bày cho mấy người cùng nhóm và bỏ đi Hội An. Dù sao, lễ trao giải sẽ diễn ra vào giữa tuần sau và phần mềm về an ninh mạng của anh đã cầm chắc một giải tàm tạm nào đó. Anh không cần phải mất quá nhiều thời gian vào nó khi mà thời tiết và khung cảnh đang khiến tâm trạng anh quay quắt nghẹn ngào.
Nàng bỏ anh đi cũng vào những ngày đông buốt giá như thế này. Nàng đi, mang theo những ngày tình yêu như trong giấc mộng và niềm hạnh phúc vô bờ, bỏ lại cho anh nỗi đau đớn và một tâm trạng triền miên trống rỗng. Anh không thể nguôi, không thể quên, không thể thôi thương nhớ. Anh cũng chẳng thể tin nổi rằng nàng đã không còn. Mỗi sáng thức dậy, anh vẫn tưởng rằng nàng sắp đến bên anh với nụ hôn và những lời yêu thương nồng nàn cho một ngày mới. Hàng đêm, trong những cơn mơ chập chờn hư hư thực thực, nàng ở trong vòng tay anh, mải miết đam mê như chưa từng xa cách bao giờ. Đã hơn hai năm rồi, anh chìm đắm trong thế giới riêng đầy ắp bóng hình của nàng với một nỗi ân hận dày vò.
Có đường phố nào vui, cho ta qua một ngày
Có sợi tóc nào bay, trong trí nhớ nhỏ nhoi
Không còn, không còn ai, ta trôi trong cuộc đời…
Chiếc loa cũ kỹ phát ra những câu hát vô tình như mũi dao lách nhẹ vào trái tim đã chất chứa buồn đau của người đàn ông, anh tựa vào thành ghế để ghìm đôi vai run rẩy. Lặng lẽ bỏ kính ra lau và chấm nhanh lên khoé mắt hoe đỏ, anh quay người lại, nhìn ra con sông tràn nước.
Thường thì anh không thích ngắm sông, dòng nước rộng gợi cho anh những liên tưởng tang tóc. Nhưng sông ở Hội An mang một nét đẹp đặc biệt, ngay cả vào mùa lũ nó vẫn có vẻ nhỏ bé đến nao lòng, và con phố ven bờ sông với những người trùm áo mưa đạp xe chậm rãi thì trầm lặng như thể những thước phim quay chậm nhạt nhoà. Đưa máy ảnh lên ngắm bâng quơ một lát, anh chỉnh nét để chụp một chiếc xích lô đang chầm chậm đi qua. Mới bấm được hai kiểu, vai anh bỗng bị huých nhẹ bởi cái khuỷu tay của một người phục vụ. Ống kính chệch hướng và trong khuôn ngắm hiện ra một người đàn bà đang vén áo mưa để ngồi lên xe đạp.
- Thái Vân!


Chương 30


Không để ý tới lời xin lỗi của cô gái chạy bàn, Thanh lao ra ngoài. Mưa vẫn rơi và phố vắng tanh. Khi nãy, qua khuôn ngắm hẹp, chàng thấy một hình ảnh quen thuộc. Gương mặt nghiêng nghiêng khuất sau chiếc nón nhưng dáng ngồi và vóc người thì giống Thái Vân y hệt. Chàng nhìn quanh quất. Chàng dụi mắt, đôi mắt nhoè vì nước mưa hay nước mắt, chính chàng cũng chẳng rõ nữa. Người đàn bà với chiếc áo mưa xanh đã biến mất. Như là một ảo ảnh.
- Anh Thanh!
Tiếng nói vui vẻ cất lên từ phía sau. Một cô gái trẻ giương chiếc ô màu bạc chạy tới chỗ chàng, giọng Sài Gòn ngọt ngào:
- Thì ra anh đứng chỗ này, đi tìm anh muốn chết.
- Sao Uyên lại ở đây?
- Uyên hỏi anh Khanh, anh Khanh nói anh đi Hội An từ sáng sớm. Trời ơi, nãy giờ chạy lòng vòng lạc đường mắc cười quá.
- Thi cử có trục trặc gì à? Sao không gọi điện để anh về?
- Điện thoại anh lúc nào cũng không liên lạc được hết. Làm Uyên…
- Nhưng có chuyện gì?
- Không có chuyện gì đâu à! Uyên… Uyên chỉ muốn gặp anh thôi.
Thanh lắc đầu, chàng quay trở lại quán café. Uyên cũng lúp xúp chạy theo. Cô vuốt vuốt mái tóc có đọng những giọt nước li ti và nhìn vào gương mặt không rõ vui buồn của Thanh. Chàng như đang ở trong cõi khác, đôi mắt nâu sau cặp kính trở nên mơ màng, đôi môi không còn mím chặt mà hé mở gần như nụ cười làm cho chàng càng quyến rũ.
Uyên là nhân viên văn phòng phía Nam của công ty. Cô mến Thanh ngay từ cái nhìn đầu tiên khi cô ra Hà Nội họp và Thanh đón cô ở văn phòng với gương mặt hiền hoà nhưng xa cách. Mấy ngày làm việc, cô càng thấy rằng trực giác của mình đã không nhầm. Thanh là một người đàn ông khá lý tưởng với bất cứ người con gái nào. Chàng không đẹp trai nổi bật nhưng sáng sủa và gọn gàng. Với phụ nữ, chàng nhẹ nhàng và tinh tế. Dù rất thành công trong công việc, chàng vẫn khiêm nhường. Nhưng Uyên có cố gắng thế nào thì Thanh vẫn giữ một khoảng cách với cô. Như lúc này cũng vậy, chàng chìm vào một dòng suy nghĩ riêng tư nào đó mà cô không thể lý giải hết.
Uyên ngọ nguậy người. Đã một lúc lâu rồi cô theo dõi những cảm xúc trên gương mặt của Thanh. Đôi khi cô nói về vấn đề gì đó và Thanh vẫn trả lời nhưng cô biết là chàng chẳng để tâm vào lời nói của mình chút nào. Suy nghĩ một chút, Uyên quyết định hỏi:
- Anh nhớ chị ấy phải không?
Qua những “kênh thông tin bên lề” trong công ty mà Uyên thu thập được thì Thanh có vợ và người đó đã qua đời cách đây vài năm. Cô chỉ biết có vậy. Dù rất tò mò, Thanh mới 27 tuổi và nếu không có những sợi tóc xấu bạc sớm thì trông còn rất trẻ, nhưng chưa bao giờ Uyên dám hỏi thẳng chàng. Lần này cô đánh bạo hỏi để kéo Thanh về với thực tại. Chàng ngẩng lên nhìn cô, nở một nụ cười buồn buồn và… gật đầu.
Uyên cảm thấy cái lạnh của nước mưa ngấm vào người làm cô tê tái. Vội bưng tách cà phê nóng lên nhấp một ngụm rồi nhăn mặt vì nóng và đắng, cô hỏi tiếp:
- Chắc chị ấy đẹp lắm anh há?
Thanh mỉm cười, chàng khuấy chiếc thìa vào tách cà phê nguội ngắt của mình rồi nhìn ra cửa quán. Mưa càng lúc càng nặng hạt hơn. Chàng rút chiếc ví da đã sờn cũ ra lật tấm ảnh chụp Vân ở bãi đá cổ Sapa đưa cho Uyên.
- Hình này là anh chụp? – Uyên hỏi và nhanh chóng nhận được cái gật đầu xác nhận. Cô cảm thấy hơi thất vọng, người con gái trong ảnh không xinh, chỉ có vẻ dễ nhìn điển hình Á Đông, thân hình đã bị bộ quần áo mùa đông dày cộp đã che mất ít nhiều, chỉ còn nét dong dỏng cân đối thường thường. Nhưng thần thái của gương mặt thì quả là rất đặc biệt. Thanh đã chớp đúng lúc những nét sắc sảo trộn lẫn với vẻ hờn dỗi hay tức tối làm cho gương mặt trang điểm khá kỹ kia trở nên tự nhiên mà vẫn rất bắt mắt.
- Bức này anh chụp ở Sapa. Thái Vân là người Sapa. Anh và Vân bắt đầu yêu nhau cũng ở Sapa.
- Hèn chi năm nào anh cũng đi Sapa hai lần.
- Anh Tường kể với em à?
Uyên không trả lời. Cô không muốn cho Thanh biết rằng chàng là người đàn ông được quan tâm nhất công ty và rằng hành tung của chàng luôn được hàng tá các bà các cô khắp các phòng ban theo dõi. Cô hỏi tiếp:
- Giờ chị Vân ở đâu anh?
Thanh im lặng, quả thật chàng cũng không biết. Nàng đã đi ngang qua đời chàng mang theo tột cùng hạnh phúc. Và giờ đây với niềm ân hận rằng mình đã vô tình làm nàng tuyệt vọng, với nỗi băn khoăn không bao giờ có lời lý giải rằng nàng đã nằm lại một góc bãi sông nào đó hay tan vào bọt nước trôi ra biển, chàng lại tột cùng đau đớn. Và hình ảnh quen thuộc thoáng qua khuôn ngắm vừa nãy là thật hay ảo ảnh, chàng cũng không thể xác định được… Uyên nhắc lại câu hỏi, cô có thói quen của một người giám thị kiên nhẫn luôn chờ đợi câu trả lời đến cùng.
- Anh không biết, thật sự anh rất muốn biết nhưng… - Thanh chầm chậm dõi mắt theo những vòng xoáy trong ly cà phê rồi đưa tay lên vuốt mặt - Anh đã vô tình làm Vân bị tổn thương trong lúc Vân cần anh nhất. Em biết phim The Piano không?
- The Pianist hay Piano Teacher chứ!
- Không, The Piano, phim từ đầu thập kỷ 90.
- Vậy thì em không biết. Thời đó em chỉ biết học thôi à. Phim ra sao anh?
- Có một thiếu phụ tên là Ada đi lấy chồng ở tân thế giới. Ada bị câm, chỉ nói qua tiếng đàn piano nhưng không ai hiểu kể cả người chồng. Rồi cũng có một người hiểu được Ada, anh ta cho Ada tình yêu bên chiếc đàn. Chồng Ada phát hiện ra và chặt đi một ngón tay của cô. Và Ada đã buộc mình vào chiếc piano lao xuống biển.
- Phim gì mà buồn quá!
- Vân cũng chọn cách giống Ada.
- Trời ơi! Chị ấy cũng học piano hả?
Thanh lắc đầu. Chàng biết lý giải cho cô gái phương Nam ra sao đây, khi mà cô chẳng hiểu chút gì về những ẩn ý trong các câu nói. Chàng im lặng một lúc để Uyên tự luận ra. Khi nhìn thấy nét mặt hơi kinh hãi của cô, chàng mệt mỏi đứng dậy. Đã gần trưa, mưa vẫn chưa tạnh.
* * *
Thanh nghỉ lại Hội An chứ không quay về Đà Nẵng ngay trong buổi chiều như dự định lúc đầu. Mưa không ngớt suốt ngày và tâm trạng chàng lúc này quả thật rất bất ổn nên con đường hơn 30 cây số quay về thành phố dường như cũng là quá dài. Uyên đòi ở lại cùng và chàng không có lý do gì để từ chối. Thị xã này cùng với cái không khí lặng lờ bình yên như thiên đường của nó quả thật có một sức níu kéo lạ kỳ.
Trời sập tối rất nhanh, hôm nay là ngày thường nhưng những chiếc đèn lồng vẫn được thắp lên, cùng với những bóng đèn con yếu ớt phủ lên khu phố cổ một thứ ánh sáng ấm áp nhưng quá đỗi thê lương. Thanh từ chối lời mời ăn tối ở nhà hàng Vĩnh Hưng của cô gái Sài Gòn, xách máy ảnh rời khách sạn một mình. Chàng đi men theo vỉa hè chật hẹp, những hiên nhà thấp chống cột gỗ sơn đen có treo đèn lồng nối tiếp nhau làm cho chàng mất phương hướng. Nhưng phương hướng cũng có ý nghĩa gì đâu khi khu phố quá nhỏ bé và người ta sẽ quay lại chỗ ban đầu chỉ sau chốc lát.
Trời mưa và hàng hoá không bày la liệt bên ngoài, khách du lịch đi lác đác, không mấy ai có hứng thú mua sắm trong thời tiết mưa rét thế này. Một đôi cửa hàng đã bắt đầu dọn dẹp vì vắng khách, những tấm gỗ ghép cũng sơn đen được xếp chồng ngang tạo thành một bức tường, một cánh cửa lớn, kín đáo và cũ kỹ. Chúng làm chàng nhớ lại những cửa hàng hiếm hoi còn sót lại ở Hà Nội. Cũng những tấm gỗ dài ghép lại như thế này nhưng theo chiều dọc, tuổi thơ của chàng gắn bó với hình ảnh xưa cũ đó.
Mở khoá áo khoác và cởi bớt khuy cổ áo sơ mi vì cảm giác hơi nóng, chàng dừng trước một gallery. Gallery không có gì đặc biệt, mấy bức tranh sơn mài, khắc gỗ, khắc bạc khá bắt mắt vì được bố trí đèn hợp lý, chiếc Vespa Sprint màu bạc dựng ngoài hiên như một điểm nhấn hay hay thu hút khách. Một đôi nam nữ có vẻ là người vùng Địa Trung Hải đang chăm chú xem và bình luận một bức sơn mài khổ lớn.
Thanh cúi xuống xem chiếc Sprint, nói đúng hơn là một chiếc Sprint lên đời từ Standard vì số khung là VBB. Hội An có khá nhiều Vespa, phần lớn đều là xe nguyên bản và ít được tân trang, người ta cứ dựng những chiếc xe cũ kỹ tróc lở ở vỉa hè, có chiếc còn cắm nguyên chìa khoá, chẳng ai lấy. Riêng chiếc Sprint này thì quả thật là một sự trêu ngươi cho những người ưa xe cổ. Số máy khác xa số khung cho thấy đây là một chiếc xe đầu Ngô mình Sở hoàn hảo, khung mục nên đắp quá nhiều ma-tít, cần đạp khởi động chính hiệu Piaggio sạch bong, ống pô inox sáng loáng nhưng lại bị bịt bằng một mớ giấy báo, đúng là chiếc xe cũng chỉ có tác dụng làm cảnh cho gallery chứ chẳng ai dám leo lên đi bao giờ. Thật phí công làm lại!
Đôi nam nữ nước ngoài thôi xem tranh quay lại. Thấy Thanh loay hoay xem chiếc xe, họ mỉm cười và vui vẻ bắt chuyện. Anh chồng vỗ vỗ vào ngực nói:
- Italia… mi homeland… Vespa homeland. You… amor… love… Vespa. You… Japan… Nippon… China?
Thanh mỉm cười, họ tưởng chàng là người Nhật hay người Trung Quốc không biết ngoại ngữ nên nói nhát một nghe thật buồn cười. Chàng lắc đầu, nói bằng tiếng Anh:
- Không, tôi là người Việt Nam. Tôi thích Vespa nhưng không thích chiếc này. Nó đã bị “xào” lại quá tệ. Anh chị là người Ý?
Đúng như chàng đoán lúc đầu, đó là một đôi vợ chồng người Ý đi nghỉ trăng mật. Họ đi theo một lịch trình khá lạ, chỉ thăm Hong Kong trong vòng ba ngày rồi bay sang Việt Nam lang thang nửa tháng. Cả hai đều bày tỏ sự ngạc nhiên vì người Việt Nam chịu giao tiếp bằng tiếng Anh mà hầu hết lại nói khá dễ nghe. Anh chồng thì hớn hở vì biết rằng Việt Nam cũng có câu lạc bộ những người chơi xe Vespa cổ, còn chị vợ nhiệt tình nói:
- Chúng tôi ở đây đã ba ngày rồi. Có một gallery rất tốt ở cách đây một dãy phố. Họ bán tranh tự vẽ, có cả tranh về Vespa.
- Tất nhiên không phải tranh vẽ những loại Vespa kinh khủng thế này – anh chồng nháy mắt liếc xuống chiếc Sprint “giả cầy” đế thêm – Và nếu anh quan tâm đến nhiếp ảnh như tôi đang nghĩ thì chủ của nó sẽ là một người tiếp chuyện tốt đấy. Cô ta có giọng nói sexy kinh khủng.
Theo lời chỉ của đôi vợ chồng người Ý, Thanh đi qua chùa Cầu sang phố Nguyễn Thị Minh Khai. Sáng nay chàng đã thăm phố này nhưng một loạt gallery bày bán những bức tranh na ná nhau khiến chàng không chú ý lắm. Cái gallery chàng đang tìm nằm bên cạnh một ngôi nhà có dàn hoa, hoa màu hồng từ đậm đến nhạt, xoè cánh như hoa bướm nhưng lại kết thành chùm, chẳng rõ tên. Gallery ở trong một ngôi nhà cổ, lớp sơn trên cột gỗ đã bạc, bậc thềm lát gạch mộc sứt sẹo, cánh cửa với những tấm ván gài chắn gió kiểu Trung Hoa đóng im ỉm tối om, chỉ còn ánh đèn leo lét ở tầng hai.
Thanh ngẩng lên nhìn. Tầng hai với lan can gỗ và diềm trang trí đơn sơ. Những chiếc đèn lồng hình ống im lìm. Ánh sáng hắt ra từ một ô cửa sổ mở rộng làm những giọt mưa lây rây đan chéo như được dát vàng lấp lánh. Thanh giơ máy lên chỉnh chế độ night shot và bấm thử, flash nháy một cách bất lực, ảnh rung, điểm sáng từ ô cửa biến thành một con giun to màu vàng còn mưa thì chỉ nhoè mặt ống kính. Chàng thầm tiếc vì đã bỏ chiếc tripod lại Đà Nẵng. Mở khẩu và chỉnh ISO lên cao hơn vẫn không ăn thua, chàng đặt máy theo chế độ action. Lần này khá hơn, nhưng chức năng tự động tìm vật thể “trứ danh” của Canon lại tóm ngay lấy chiếc đèn lồng treo trên cao và làm cho nó nổi bật lên. Thanh tiếp tục bấm vài kiểu nữa. Vẫn không có bức ảnh nào ghi lại được thứ ánh sáng vàng vọt viền quanh những sợi mưa như chàng muốn.
Gỡ kính xuống lau, Thanh khẽ lắc đầu với chính mình. Hai năm qua liên tục đốt thời gian bên máy tính, mắt chàng đã kém đi nhiều, và khả năng chụp ảnh thì giảm sút tệ hại. Lâu lắm rồi chàng không vào diễn đàn nhiếp ảnh trên mạng. Tường - sếp của chàng hiện giờ - vẫn thỉnh thoảng có thông báo về những họp mặt offline và đi chụp dã ngoại nhưng Thanh không bao giờ còn tham gia những hoạt động đó nữa. Thỉnh thoảng chàng log in vào mạng Tinh thần Việt Nam nhưng không viết gì cả, chỉ mở hộp thư riêng để đọc lại những tin nhắn từ một cái nick không bao giờ online nữa.
Ánh sáng hắt xuống bỗng thay đổi, Thanh ngẩng lên nhìn, ô cửa đã khép lại một nửa và hình như có người đang đứng sau chấn song. Có lẽ chủ nhà thấy chớp đèn máy ảnh liên tục nên ra xem.
- Xin lỗi -chàng vừa nói vừa đeo lại kính - Tôi không cố ý làm phiền.
Ô cửa trống trơn không một tiếng trả lời. Thanh cho máy ảnh vào bên trong vạt áo, lầm lũi đi về phía chùa Cầu. Được vài bước, chàng quay đầu nhìn lên tầng gác của ngôi nhà. Cánh cửa còn lại khép hờ vẫn đang lay động, rõ ràng vừa mới có người chạm vào nó. Và cảm giác bị dõi theo đang làm gáy chàng nóng bừng.
vk_ga
vk_ga
[ Vip PRO ]
[ Vip PRO ]

Tổng số bài gửi : 675
Join date : 11/02/2010
Age : 32
Đến từ : Ukraine/kharkov

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết