::: VK Clan :::
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Ngáy Và Nghiến Răng Khi Ngủ - mất ngủ thiệt luôn!!

Go down

Ngáy Và Nghiến Răng Khi Ngủ - mất ngủ thiệt luôn!! Empty Ngáy Và Nghiến Răng Khi Ngủ - mất ngủ thiệt luôn!!

Bài gửi by vk_ga 24/02/10, 03:46 pm

Ngáy và nghiến răng khi ngủ

Ngáy và nghiến răng khi ngủ không phải là những bệnh lý nguy hiểm, nhưng đôi khi gây nhiều khó chịu cho người bệnh và người xung quanh; Đây cũng là những triệu chứng báo hiệu một số rối loạn của các cơ quan. Bài viết sau xin giới thiệu một số hiểu biết cơ bản về hai triệu chứng này và các biện pháp điều trị.

NGHIẾN RĂNG
Nghiến răng (bruxism) là sự nghiến và / hoặc siết chặt các răng một cách quá mức, thường diễn ra khi ngủ (không ý thức). Nghiến răng cũng có thể xảy ra khi thức. Tất cả các hình thức nghiến răng nêu trên đều tạo sự tiếp xúc mạnh giữa mặt nhai của các răng trên và dưới.

Tỷ lệ mắc
Hầu hết mọi người thỉnh thoảng có nghiến răng hoặc siết chặt răng. Tỷ lệ nghiến răng giữa nam và nữ là ngang nhau.

Các nghiên cứu thống kê cho thấy, khoảng 5-20% dân số cộng đồng có các dấu hiệu và triệu chứng của nghiến răng, nhưng chỉ khoảng 5-10% trong số đó nhận biết được mình có nghiến răng.

Dấu hiệu và hậu quả của nghiến răng
Sự nghiến các răng giữa hai hàm với nhau có thể gây ra những âm thanh khó chịu, đánh thức người ngủ chung. Sự tiếp xúc mạnh của các răng trên và dưới khi nghiến sẽ tạo ra các diện mòn trên răng. Đó là do nghiến răng khi ngủ sử dụng lực rất mạnh tác động trên răng (gấp nhiều lần lực phát sinh khi nhai), nên tình trạng nghiến kéo dài có thể dẫn đến những hậu quả xấu cho các thành phần của hệ thống nhai, mà trước hết là hệ thống răng - mô nha chu, cơ hàm và khớp thái dương - hàm.

a. Đối với răng và nha chu:

Răng có thể bị mòn, mất hết lớp men - lộ đến lớp ngà màu vàng đậm hơn, nhạy cảm (ê buốt), nứt gãy các múi răng, lung lay hoặc bị mất.
Với thời gian, tình trạng nghiến có thể làm hư hỏng các phục hồi nha khoa như gãy, sứt miếng trám, gãy các hàm giả tháo lắp hoặc cố định.
Khi răng bị mòn nhiều sẽ làm giảm kích thước tầng dưới mặt, khiến bệnh nhân trông có vẻ già hơn.

b. Đối với các cơ hàm:

Ảnh hưởng của nghiến răng trên răng thường được bệnh nhân và nha sĩ phát hiện. Ảnh hưởng của nghiến răng trên cơ và khớp thái dương - hàm thường khó phát hiện.
Vì các cơ hàm bị co thắt mạnh trong suốt thời gian nghiến nên bệnh nhân có thể bị mỏi, đau các cơ, đau đầu, đau cổ. Các cơ hoạt động quá mức có thể bị phì đại, tạo ra vẻ mặt mất cân xứng hay mặt có dạng vuông do phì đại cơ cắn ở cả hai bên.

c. Đối với khớp thái dương - hàm:

Nghiến răng có thể gây rối loạn khớp thái dương - hàm. Thông thường, dấu hiệu báo động đầu tiên là khó chịu hoặc đau ở khớp, có tiếng kêu lụp cụp khi há miệng hoặc khi đang nhai, há miệng khó.

Nguyên nhân và các yếu tố ảnh hưởng

Nguyên nhân của nghiến răng hiện còn đang được tranh luận rất nhiều.
Người ta cho rằng nhiều nguyên nhân có thể gây nghiến răng, các nguyên nhân này có thể tác động riêng rẽ hoặc phối hợp với nhau và thay đổi tùy từng người.

Các nguyên nhân có thể kể đến là: hậu quả của stress, các cản trở vướng cộm ở khớp cắn, rối loạn chức năng hệ thần kinh trung ương, suy dinh dưỡng, rượu và thuốc lá, yếu tố di truyền.

Điều trị
Có rất nhiều biện pháp đã được đề nghị để điều trị nghiến răng, song vẫn chưa có phương pháp điều trị nào thỏa đáng hoàn toàn.

Một số biện pháp thường được sử dụng hiện nay là:

- Máng mặt nhai: là một loại dụng cụ bằng nhựa do bác sĩ nha khoa thực hiện. Bệnh nhân mang ban đêm hoặc ban ngày khi cần, có tác dụng ngăn chặn sự gây hại răng do nghiến, làm giảm tình trạng đau cơ và khớp thái dương - hàm.
- Mài điều chỉnh loại bỏ các vướng cộm khớp cắn.
- Theo dõi: đặc biệt đối với nghiến răng ở trẻ em.
Ngoài ra còn có một số phương pháp khác như: Giảm stress bằng cách tự thôi miên, yoga, thay đổi cách sống...; Loại bỏ thói quen hút thuốc, uống rượu; Làm thay đổi vị giác trong miệng.

Kết luận

Nghiến răng mãn tính tuy không nguy hiểm nhưng gây khó chịu cho người bệnh và những người xung quanh. Chúng ta cần nhận biết, phát hiện và điều trị kịp thời để tránh các tổn hại cho răng, cơ và khớp thái dương - hàm.

NGÁY
Giấc ngủ yên tĩnh hoàn toàn rất cần thiết cho sức khỏe. Khi ngủ không đủ, người ta dễ trở nên cáu kỉnh, mệt mỏi, hay quên và khó tập trung.

Ngáy là một thói quen khó chịu thường gặp nhất trong khi ngủ. Nó cũng có thể là nguồn gốc của những phàn nàn và thậm chí gây nên sự bất hòa giữa các cặp vợ chồng, bạn bè...

Đôi khi cường độ tiếng ngáy lên đến 80 decibels, bằng cường độ của một cuộc nói chuyện ồn ào hay một máy hút bụi, và như vậy thật khó chịu cho người ngủ chung.

Theo thống kê, có khoảng 25% người dưới 30 tuổi và 50% người trên 50 tuổi ngáy khi ngủ. Nam thường bị nhiều hơn nữ. Người béo phì ngáy nhiều hơn người gầy gấp 3 lần.

Bệnh học của ngáy
Ngáy là dấu chứng của một số rối loạn đường hô hấp trên (mũi, miệng, hầu).

Nguyên nhân của ngáy mãn tính là do sự rung các mô mềm ở vùng hầu (đặc biệt là màn hầu, lưỡi gà bị thòng xuống cũng như những cơ khác của vùng họng) trong khi ngủ. Hiện tượng rung này tạo nên tiếng động đặc thù khi hít vào.

Mọi vật cản làm giảm luồng không khí đi vào mũi, hầu, thanh quản, làm rung các mô mềm của đường hô hấp trên đều có thể gây ngáy.

a. Nguyên nhân

Có thể do một hoặc nhiều nguyên nhân kết hợp với nhau.
- Trương lực của các cơ ở vùng hầu bị yếu (nhão cơ) dẫn đến sự phập phều, rung động khi có luồng khí đi qua.

- Các vật cản gây nghẽn tắc đường hô hấp trên.
+ Ở mũi: Các bệnh lý ở mũi như viêm mũi, polyp mũi, lệch vách ngăn mũi.
+ Ở hầu (họng): Khẩu cái mềm và lưỡi gà dài quá mức làm hẹp khe mũi hầu, amiđan phì đại, các u sùi to...
+ Ở miệng: Lưỡi lớn có thể gây tắc nghẽn thanh quản (do đè lên nắp thanh quản).
Hàm dưới nhỏ, bị lùi ra sau cũng có thể tạo ra sự tắc nghẽn.

b. Các yếu tố khác ảnh hưởng đến tình trạng ngáy

- Béo phì (làm hẹp kích thước vùng hầu).
- Cơ thể yếu có liên quan đến sự giảm trương lực cơ và làm màn hầu bị chùng xuống.
- Tuổi tác.
- Hút thuốc và uống rượu.
- Tư thế nằm ngửa khi ngủ...
Như vậy, những người ngáy nhiều cần được thăm khám toàn diện về mũi, miệng, khẩu cái, hầu để phát hiện các nguyên nhân gây rối loạn đường hô hấp trên.
Tiến triển nặng nhất của ngáy là tình trạng ngưng thở vài giây trong lúc ngủ.

Điều trị

a. Các phương pháp không phẫu thuật

- Làm giảm các yếu tố nguy cơ (giảm cân, tư thế ngủ, bỏ thói quen hút thuốc lá, uống rượu...).
- Các dụng cụ nha khoa: Dụng cụ kéo dài lưỡi ra trước; Dụng cụ đưa hàm dưới ra trước; Dụng cụ tạo đường thông khí từ miệng.

b. Phẫu thuật

- Phẫu thuật tạo hình màn hầu và lưỡi gà.
- Cắt amiđan quá to, sửa vách ngăn mũi lệch... (TMH).
- Phẫu thuật dùng laser, lấy bỏ bớt một phần màn hầu và lưỡi gà.
- Thủ thuật dùng sóng ngắn làm giảm sự nhão của màn hầu.

c. Các biện pháp tạm thời

Thay đổi tư thế khi ngủ: Tư thế đầu, tư thế toàn thân.

GS.TS. Hoàng Tử Hùng -Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Anh
vk_ga
vk_ga
[ Vip PRO ]
[ Vip PRO ]

Tổng số bài gửi : 675
Join date : 11/02/2010
Age : 32
Đến từ : Ukraine/kharkov

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết